Google lần đầu tiên tôn vinh Ca Trù nhân ngày Giỗ tổ nghiệp
Ngày 23-2-2020, các thiết bị kết nối Internet với IP từ Việt Nam khi mở trang chủ của Google.com.vn (Google Search) sẽ thấy logo Google của trang này đã được thay bằng một Doodle vinh danh loại hình nghệ thuật Ca Trù của Việt Nam nhân ngày Giỗ tổ nghiệp Ca Trù (23-2). Đây là lần đầu tiên Google vinh danh Ca Trù trên trang chủ của mình. Google nói rằng việc này là một trong những hoạt động của Google góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam trong thời gian qua.
Ca Trù (dân gian quen gọi là Hát cô đầu, Hát ả đào, Hát nhà trò) thuộc thể loại âm nhạc dân gian độc đáo của Việt Nam, thịnh hành vào thế kỷ 15 ở khu vực Bắc Bộ Việt Nam. Ca Trù là loại hình hát thơ tinh tế và công phu, dùng lời ca viết theo các thể thơ truyền thống của Việt Nam. Ca Trù có 56 thể thức hoặc giai điệu khác nhau, được gọi là thể cách, nhằm đáp ứng các mục đích xã hội khác nhau, bao gồm hát thờ, hát chơi, hát hoàng cung và hát thi. Hàng năm, lễ Giỗ tổ nghiệp Ca Trù vẫn được tổ chức vào nửa đầu tiên của tháng Chạp Âm lịch tại đình Bích Câu Đạo quán (Hà Nội). Một số địa phương có nơi thờ tổ nghiệp Ca Trù cũng tổ chức lễ giỗ tổ, có thể khác ngày. Năm 2020, theo Google, lễ Giỗ tổ nghiệp Ca Trù Việt Nam vào ngày 23-2 dương lịch (mùng 1 tháng Hai Canh Tý).
Biểu tượng Doodle Ca Trù minh họa hình ảnh của một chầu hát điển hình với 3 thành viên: nữ ca sĩ gọi là “đào” hay “ca nương” vừa sử dụng kỹ thuật cột hơi và ngân rung để tạo ra thanh âm độc đáo theo lối hát thơ, vừa gõ bộ phách (nhạc cụ hình hộp nhỏ bằng gỗ) lấy nhịp, một “kép” nam đệm đàn đáy và một “quan viên”, thường là tác giả bài hát, đánh trống chầu để chấm câu và biểu lộ sự tán thưởng đối với bài hát. Ca Trù thường được trình diễn trong không gian tương đối nhỏ. “Đào” hát ngồi trên chiếu ở giữa, “kép” và “quan viên” ngồi chếch sang hai bên.
Ca Trù phản ánh văn hóa, tín ngưỡng và hệ tư tưởng của người Việt thế hệ trước. Đây là một hình thức nghệ thuật dân gian truyền thống đại diện cho những thay đổi xã hội trong đời sống địa phương theo thời gian. Tuy nhiên, chiến tranh liên tiếp và sự lạnh nhạt của công chúng đã khiến cho Ca Trù đối mặt với nguy cơ thất truyền trong suốt thế kỷ 20. Vào tháng 10-2009, Ca Trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Cần được Bảo vệ Khẩn cấp (Intangible Cultural Heritage in Need of Urgent Safeguarding). Nhằm bảo tồn thể loại nghệ thuật truyền thống độc đáo này, việc nhen nhóm lại hứng thú cũng như sự trân trọng của thế hệ trẻ dành cho Ca Trù rất quan trọng.
Thể loại nghệ thuật này gần đây đã được hồi sinh nhờ vào nỗ lực tập trung của các tổ chức Nhà nước và các đơn vị quốc tế, thường được biểu diễn tại các phường Ca Trù hoặc các lễ hội thường niên. Qua việc tôn vinh nghệ thuật Ca Trù với biểu tượng Doodle, Google nói họ mong muốn nâng cao nhận thức và sự quan tâm của công chúng đối với những nghệ thuật dân gian truyền thống đang có nguy cơ biến mất, nhắc nhở thế hệ trẻ luôn nhớ về cội nguồn.
GS TSKH Tô Ngọc Thanh, Chuyên gia nghiên cứu âm nhạc dân tộc, chia sẻ: “Ca Trù là một di sản nghệ thuật độc đáo, rất đặc sắc, và là một sáng tạo có một không hai của người Việt. Mặc dù trước năm 1945, Ca Trù đã bị mang tiếng oan một thời gian khá dài, có lúc gần như đã sa vào nguy cơ mai một. Đến nay, Ca Trù đã được trả lại giá trị cao đẹp vốn có, tham gia vào dòng chảy của văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xứng đáng được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Rất cám ơn Google đưa Ca Trù như một ‘thương hiệu’, góp phần quảng bá những giá trị độc đáo của Ca Trù.”
Google Doodle là những biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com (hay Google Tiếng Việt – Google.com.vn) nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng ở đất nước mình, hay cho nhân loại. Trên trang chủ Google Tiếng Việt (Google.com.vn) từ năm 2003 đến nay đã có nhiều tác phẩm Doodle như cách mà Google tôn vinh nét văn hóa đặc trưng tại Việt Nam cũng như kỷ niệm những ngày lễ truyền thống như Ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Ngày Quốc khánh, các nhân vật đặc biệt như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Xuân Quỳnh, họa sĩ Bùi Xuân Phái…
MEDIAONLINE
+ Ảnh do Google cung cấp.