Thứ Hai ngày 11 tháng 11 năm 2024
Thứ Hai ngày 11 tháng 11 năm 2024

Tech MediaOnline

Hai tuyến cáp quang biển quốc tế APG và AAG dự trù được sửa xong ngày 11-6-2020

Hai tuyến cáp quang biển quốc tế APG và AAG dự trù được sửa xong ngày 11-6-2020
June 04
09:04 2020

 

Theo tin của TTXVN (3-6-2020), nếu việc sửa chữa, khắc phục các sự cố trên hai tuyến cáp quang biển quốc tế APG và AAG hoàn thành đúng kế hoạch, đến ngày 11-6-2020, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ trở lại bình thường.

Sửa chữa cáp quang biển quốc tế. (Ảnh: Internet. Thanks.)

Sự cố cáp quang biển APG

Ngày 30-4-2020, tuyến cáp  quang biển Đông Nam Á – Thái Bình Dương (Asia Pacific Gateway, APG) gặp sự cố trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore. Trong khi nhánh S9 chưa được tiến hành sửa, ngày 23-5-2020, cáp APG lại gặp sự cố trên đoạn S1.7, gây mất toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp này.

Ngày 3-6, nhà quản lý cáp APG thông báo cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam rằng, các sự cố trên nhánh S9 và S1.7 của tuyến cáp quang biển APG sẽ bắt đầu được xử lý từ ngày 6-6 và dự trù hoàn thành vào ngày 11-6-2020. Để khôi phục toàn bộ dung lượng đường truyền trên tuyến cáp APG, các sự cố trên cả hai nhánh cáp S9 và S1.7 phải được sửa chữa hoàn toàn.

Tuyến cáp quang biển Đông Nam Á – Thái Bình Dương (Asia Pacific Gateway, APG) là tuyến cáp quang biển chính kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, hoạt động chính thức từ giữa tháng 12-2016, sau 4 năm xây dựng. Tuyến APG dài khoảng 10.400km được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, có các điểm cập bờ ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam với băng thông tối đa lên tới 54,8Tbps (lớn nhất trong số các tuyến cáp quang biển mà Việt Nam đang khai thác hiện nay). Các nhà mạng Việt Nam đang sử dụng tuyến cáp này là VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom.

Sự cố cáp quang biển AAG

Nửa tháng sau khi tuyến cáp APG bị sự cố nhánh S9 mà vẫn chưa thể tiến hành sửa chữa, tuyến cáp biển nối Đông Nam Á với Hoa Kỳ (Asia-America Gateway, AAG) cũng gặp sự cố ngày 13-5-2020 trên nhánh S1H, đoạn kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong với vị trí cáp lỗi cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 107km. Cáp AAG lại xảy ra sự cố chỉ hơn 20 ngày sau thời điểm khắc phục xong sự cố xảy ra ngày 2-4-2020 trên nhánh S1 từ Việt Nam đi Hong Kong (bắt đầu sửa ngày 17-4 và sửa xong sáng 21-4). Việc sửa chữa sự cố lần thứ 2 trong n ăm 2020 của cáp AAG đã bắt đầu từ ngày 28-5-2020 và dự trù sẽ được sửa xong ngày 2-6-2020. Tuy nhiên, trong quá trình sửa chữa, nhà quản lý cáp đã phát hiện thêm sự cố mới và phải lùi thời gian dự trù hoàn thành cả tuyến cáp tới ngày 6-6.

  • CẬP NHẬT: Cáp quang biển AAG S1H đã được đối tác quốc tế sửa chữa xong lúc 7g20 sáng 4-6. Lưu lượng trên tuyến cáp này đã được khôi phục hoàn toàn.

Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG) có chiều dài 20.191km đặt ngầm dưới Thái Bình Dương, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, có dung lượng 2,88Tbps. Tuyến cáp này được đưa vào khai thác chính thức từ tháng 11-2009, đi qua Malaysia (điểm cập bờ tại Mersing), Singapore (Changi), Thái Lan (Sri Racha), Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314 km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei (Tungku), Hong Kong (South Lantau), Philippines (Currimao) và Hoa Kỳ (đảo Guam, đảo Hawaii và cập bờ tại bang California). Những nhà ISP Việt Nam sử dụng tuyến cáp này như VNPT, FPT Telecom, Viettel, SPT.

Hiện Việt Nam đang khai thác 6 tuyến cáp quang biển chiếm hầu hết dung lượng kết nối Internet đi quốc tế. Đó là, tuyến cáp nối Đông Nam Á với Hoa Kỳ (AAG, hoạt động 2009, dung lượng 2,88Tbps); tuyến cáp Đông Nam Á – Thái Bình Dương (APG, hoạt động 2016, dung lượng 54,8Tbps); tuyến cáp kết nối Đông Nam Á, Trung Đông và Tây Âu (SMW3, SEA-MEE-WEE-3, hoạt động 2000, dung lượng 320Gbps); tuyến cáp kết nối tất cả các khu vực châu Á, Trung Đông, Châu Phi, Châu Âu (AAE-1, hoạt động 2017, dung lượng 40Tbps); tuyến cáp Liên Á kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, HongKong (TGN-IA, hoạt động 2009, dung lượng 3,84Tbps); tuyến cáp kết nối Việt Nam với Thái Lan, Hong Kong (TVH, hoạt động 1996, dung lượng 565Mbps). Dự trù vào cuối năm 2020, Việt Nam sẽ có thêm tuyến cáp quang biển thứ 7 là SJC2 (Southeast Asia – Japan Cable 2) dài 10.200km, có dung lượng tới 144Tbps. Cáp này kết nối qua 9 nước và vùng lãnh thổ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam (cập bờ Bình Định) và Singapore.

Tham khảo thêm.

 

ANH PHÚC



 

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới