Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Đôi vớ của cha nâng bước chân con vào trận chung kết Olympia

Đôi vớ của cha nâng bước chân con vào trận chung kết Olympia
September 21
15:53 2020

Sáng Chủ nhật 20-9-2020, trước khi vào phần thi cuối cùng “Về đích” trong trận chung kết của cuộc thi Đường Lên Đỉnh Olympia lần thứ 20 do VTV3 tổ chức và trực tiếp truyền hình, bạn nam thí sinh Vũ Quốc Anh (trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk) đã xin dành cho mình 15 giây: cậu kéo cao ống quần để lộ ra đôi vớ màu xanh lá mà cậu nghẹn ngào khoe đây là đôi vớ cha mình tặng để đi trong trận chung kết. Có lẽ rất rất rất nhiều người ở khắp nơi đang ngồi trước màn hình TV đã phải xúc động.

Và quả là hồng phúc của dân tộc khi tuyệt đại đa số bạn bè trên cõi Phây đầy thị phi nhận ra ngay ý của Quốc Anh là muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mình và coi đôi vớ của cha đó như thể có cha mình đang cùng con “xuất trận”. Đó có thể coi như một loại vật linh, một thứ bùa may mắn. Từ cổ chí kim, từ Đông qua Tây đã có biết bao chiến binh ra trận sinh tử với những kỷ vật của người thân, thường là chiếc khăn thêu, chiếc khăn quàng cổ,… Và người ta trân trọng hành động của bạn trẻ tới từ vùng đất Tây Nguyên.

A Phủ nghĩ rằng: bạn Quốc Anh chưa thành tài để đóng góp cho cộng đồng, nhưng ngay từ bây giờ, chỉ với hành động biết ơn đó, bạn đã giúp cho cộng đồng một bài học về sống tốt đẹp hơn.

Nhưng như đặc thù của mạng xã hội luôn phản ánh thực tế xã hội theo thời gian thực realtime, ngay lập tức cũng đã xuất hiện những “tay phím” muốn truy vấn coi “bố bạn là ai”. Người thì nói đó là đôi vớ xanh của quân đội. Kẻ cãi là màu xanh của công an. Rồi có bạn phê phán vớ quân đội không thể được dùng với thường phục như vậy. Thậm chí có bạn còn nâng tầm quan điểm lên chất ngất Trường Sơn là cần xem lại công tác quản lý quân trang quân dụng. Haha. Xin phép cho A Phủ cười cái coi. Haha.

A Phủ chỉ thông tin chớ hỗng bình luận gì về vụ này. Có chăng xin phép thêm mắm dặm muối như vầy. Có anh bạn đồng nghiệp kể mình biết mấy bạn cộng tác viên của văn phòng đại diện một số tờ báo pháp luật ở Hà Nội khi tới gặp doanh nghiệp ở miền nam để vòi quảng cáo, tài trợ đã cố ý ngồi cho lộ đôi vớ màu xanh công an ra mà… khè. Riêng A Phủ từng mục sở thị có lần trong một bàn tiệc, một anh chàng khoe mình là thiếu tá CA, vậy là cậu em họ bên ngoại sấp nhỏ của A Phủ nóng mũi đứng lên chìa cái sợi dây lưng có cái khóa của cấp tá CA tự giới thiệu mình là một đại tá CA, trưởng CA huyện. Báo hại, anh chàng kia tắt đài cái bụp! Đã muốn khoe thì phải thần thái như vậy chớ!

Bạn Vũ Quốc Anh giành được giải Nhì với phần thưởng 100 triệu đồng.

Nhân tiện 1, Đường Lên Đỉnh Olympia thực chất chỉ là một loại game show truyền hình thiên về kiến thức. Đó không phải là một cuộc thi chính thống, một cuộc thi mang tính học thuật và có giá trị học thuật. Nó khác những kỳ thi như học sinh giỏi văn, giỏi toán, Olympic toán học,… Vì thế, quán quân Olympia cũng chỉ chính xác là người giành được giải cao nhất torng một cuộc thi. Các bạn trẻ ấy giỏi thì chẳng ai có thể phủ nhận, nhưng không phải tất cả đều là nhân tài chớ đừng nói chi là thiên tài.

Nhân tiện 2, chuyện các quán quân Olympia được học bổng đi du học nước ngoài cũng giống như biết bao bạn người Việt khác, hay nói rộng hơn là các bạn trẻ khác trên thế giới, đi du học nước ngoài. Học xong, họ chọn làm việc, rồi sinh sống, ở đâu không phải là vấn đề bất thường, ngoại trừ khi việc về nước làm việc là một trong các điều kiện của cuộc thi. Nên nhớ là trong tổng số 19 nhà quán quân Olympia của Việt Nam cho tới nay, chỉ có vài ba bạn về nước làm việc. Ở đây là câu chuyện đất lành chim đậu. Và ở đây là một thực tế, liệu về nước, người ta có thể phát huy tối ưu những gì mình học được. (Xin đừng tìm cách khoác cho các bạn đó cái áo “yêu nước” ở đây.)

Ngày hôm qua, ngay sau khi trận chung kết Olympia kết thúc, anh Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT, cho post lại bài anh viết hồi tháng 12-2015 với tựa đề “Về hay ở”. Trong đó, anh viết: “Với sinh viên FPT – chúng tôi cũng nói rằng phạm vi làm việc của các bạn là toàn cầu, cạnh tranh là cạnh tranh toàn cầu. Chúng tôi cũng chia sẻ định nghĩa của Diễn đàn Kinh tế Thế giới “chất lượng của hệ thống giáo dục sau phổ thông là việc đáp ứng nhân lực cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Ông cha đã đổ xương máu mở mang bờ cõi địa lý của đất nước hình chữ S này, đến lượt các bạn trẻ – chúng tôi mong muốn các bạn mở mang bờ cõi trí tuệ đất nước, các bạn là những người lính xung kích trong trận chiến cam go này, các bạn mang trí tuệ Việt Nam đến đâu thì bờ cõi trí tuệ Việt Nam mở mang đến đấy. Đất lành chim đậu. Chim đậu ở đâu nhiều thì ở đó đất chắc lành. Muốn chim về nhiều, thì làm sao cho đất trở nên lành hơn – và đây không phải là trách nhiệm của chim.”

Và sáng nay, trên Facebook của mình, nhà văn Nguyễn Một, Giám đốc Truyền thông của THACO, doanh nghiệp tài trợ chính của Đường Lên Đỉnh Olympia mấy năm nay, chia sẻ: “Trên BBC có bài viết: ‘Vì sao VN ‘ít đóng góp cho nhân loại’? Đại ý nội dung cho biết bản khảo sát về Quốc gia có đóng góp tổng thể cho nhân loại thì Việt Nam xếp hạng thứ hạng 124/125 có nghĩa là “dưới đáy”. Tôi nghĩ: Đã đến lúc chúng ta cần có đóng góp gì cho nhân loại chứ không chỉ loay hoay ở địa phương hay quốc gia, bạn hãy nghĩ xem những sản phẩm của nền văn minh mà bạn đang dùng hàng ngày như điện thoại, máy tính, ô tô có phải là phát minh của người Việt Nam không? Vì vậy, chúng ta cho các em nền tảng ban đầu là điều kiện du học, sau khi học xong, bằng nhận thức của mình các em có quyền lựa chọn môi trường phù hợp nhất để làm việc, sáng tạo và nếu trong các em có một thiên tài sáng tạo ra “công trình” có ích cho nhân loại thì dù ở quốc gia nào cũng tốt cả, vì nhân loại trong đó có cả Việt Nam chúng ta! Lá rồi cũng rụng về cội chứ mất đi đâu? Mong rằng trong tương lai, từ những “hạt giống” hôm nay sẽ cải thiện được bản đồ xếp hạng “đóng góp cho nhân loại” của Việt Nam trên thế giới! Đó mới là điều quan trọng nhất của thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống!”

A Phủ thì trước sau như một vẫn đề cao tới yếu tố toàn cầu hóa. Trong thế giới liên lập và khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào cộng đồng quốc tế, người Việt Nam cũng phải xây dựng cho mình cái tâm thế công dân toàn cầu, biết đóng góp cho lợi ích toàn cầu. Bạn có thể đóng góp cho lợi ích toàn cầu cho dù bạn đang làm việc gì đó ở Việt Nam. Đồng thời, nếu thật lòng muốn đóng góp cho đất nước Việt Nam của mình, bạn vẫn có thể làm được, thậm chí tốt là đằng khác, cho dù bạn đang ở bất cứ đâu trên hành tinh này. Ừa, cô hàng xóm dặn: Nghĩ thoáng một chút thì đời mới thấy đáng sống hơn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh từ VTV và báo Tuổi Trẻ. Thanks.