Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Hàng refurbished là gì?

December 08
02:40 2010

Và khách hàng bao giờ bạn cũng muốn mua được của rẻ mà lại tốt. Vì vậy cơ hội đầu tiên để bạn đạt được ước muốn là đợi khi cửa hàng giảm giá khuyến mãi hoặc dọn kho. Tuy nhiên, việc này không phải lúc nào cũng xảy ra. Vì vậy, bạn phải thường xuyên để mắt tới món hàng mà bạn định mua để chờ dịp may đến.
Có một cách nữa để bạn thực hiện ước mơ của mình, đó là tìm mua các loại hàng hóa refurbished. Tuy nhiên, đối với người lần đầu tiên đi mua hàng refurbished thì câu hỏi đặt ra sẽ là liệu hàng refurbished chất lượng có tốt như hàng nguyên bản hay không?
Trước tiên, bạn cần phân biệt hàng refurbished do chính nhà sản xuất tiến hành hay do một bên thứ ba nào đó tiến hành. Trong khi hàng refurbished do bên thứ ba tiến hành sẽ có bảo hành hay không tùy bên thứ ba đó, thì chỉ có hàng refurbished do chính hãng tiến hành mới nhận được bảo hành chính hãng.

Nhưng hàng refurbished là hàng gì?
Nói chung, hàng điện tử refurbished là hàng vì một số lý do nào đó nên bị trả về cho nhà sản xuất. Những hàng hóa này sau đó được nhà máy của nhà sản xuất kiểm tra lại để đảm bảo nó đạt được tất cả các thông số kỹ thuật. Các chi tiết hư hỏng sẽ được thay thế để đảm bảo ngang hàng mới và sau đó được đóng gói như hàng mới. Tuy nhiên, luật thương mại ở các nước phát triển không cho phép nhà sản xuất bán các loại hàng hóa đã refurbished dưới dạng hàng mới, vì tem chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nhà máy đã bị bóc nên hàng hóa dạng này phải được bán dưới dạng hàng refurbished và giá thấp hơn so với hàng còn zin.
Những nguyên nhân hàng hóa phải quay lại nhà sản xuất:
1. Khách hàng trả về: Một số công ty bán lẻ cho phép khách hàng trả lại hàng hóa đã mua trong vòng 30 ngày vì bất kỳ lý do gì mà vẫn được trả lại đủ tiền. Nếu hàng hóa vẫn tốt nguyên thì các cửa hàng này sẽ bán hàng hóa đó dưới dạng “hàng bị mở thùng” và có chiết khấu giá. Nếu có một vài lỗi nào đó thì hàng hóa này sẽ bị trả lại cho nhà sản xuất. Nhà sản xuất sẽ kiểm tra, sửa lại các lỗi và sau đó bán ra dưới dạng refurbished.
2. Do vận tải hoặc hư hỏng bên ngoài: Một số hàng hóa do vận chuyển, bốc xếp làm bao bì bị dập nát, mặc dù hàng hóa bên trong vẫn nguyên vẹn và hoạt động tốt. Đôi khi trong trường hợp này, hàng hóa cũng bị xây xát, vỡ nứt, mặc dù nó không ánh hường tới chất lượng hàng hóa. Trong những trường hợp này, người bán thường gửi trả lại hàng cho nhà sản xuất. Nhà sản xuất kiểm tra hàng, thay thế các chi tiết bị rạn nứt, sau đó đóng gói lại như mới, nhưng không được bán như hàng mới mà phải dán nhãn “refurbished” và bán giá thấp hơn.
3. Hàng hóa sau khi triển lãm: Hàng hóa đưa đi triển lãm bị bóc thùng để trên kệ, hàng hóa bày mẫu trong các siêu thị, hoặc hàng hóa đưa đi kiểm chứng chất lượng, sau đó sẽ trả về cho nhà sản xuất… Nhà sản xuất kiểm tra lại chất lượng, đóng thùng và xuất bán dưới dạng “refurbished”.
4. Hàng bị mở thùng: Nếu hàng hóa vì một lý do gì đó bị mở thùng mất dấu niêm phong (seal), thì hàng hóa đó sẽ được trả về cho nhà sản xuất để kiểm tra và đóng gói lại dưới dạng “refurbished”. Ngay cả trong trường hợp hàng hóa không bị hư hỏng gì, nó vẫn không được bán dưới dạng hàng mới nguyên mà phải bán với mác “refurbished”.
5. Bị lỗi trong quá trình sản xuất: Nếu một linh kiện nào đó được phát hiện là có lỗi sau khi hàng hóa đã rời nhà máy thì người sản xuất có thể thu hồi hàng hóa đó lại, thay thế linh kiện bị lỗi rồi đưa trở lại thị trường, nhưng phải dưới dạng refurbished.
6. Hàng hóa bị tồn kho: Trong trường hợp hàng hóa bị ứ đọng không tiêu thụ hết, người bán hàng có thể giảm giá để dọn kho. Tuy nhiên, trong trường hợp người bán không chịu hạ giá mà nhà sản xuất do cần phải giới thiệu mặt hàng mới thì nhà sản xuất có thể nhận lại các loại hàng tồn kho đó và giao cho các công ty chuyên buôn bán hàng refurbished để giải phóng nhanh. Những hàng hóa này có thể bán dưới dạng hàng khuyến mãi hoặc hàng refurbished có giá thấp hơn.
Ngoài ra, bạn cần phân biệt rõ ở các nước phát triển khi nào được phép dán tem “refurbished” và khi nào thì dán tem “reconditioned”. Hàng reconditioned là hàng đã được sử dụng trong một thời gian nhất định – thường là do các công ty cho thuê mua về rồi đem cho khách hàng của mình thuê trong một thời gian. Sau đó, họ thu hồi về, sửa sang lại (thường là tự sửa chứ không phải do chính hãng sản xuất sửa) và bán ra qua hệ thống bán lẻ. So với hàng refurbished thì hàng này bán rẻ hơn nhiều, tuy nhiên rủi ro cũng cao hơn do các chi tiết trong hàng này đã được sử dụng trong một thời gian dài nên khả năng hỏng hóc sẽ cao hơn.

 

Theo SAPHI SPI
(bài này được viết dựa theo tài liệu: “Guide to buying refurbished electronics – what you need to know” từ Website: www.practical-home-theater-guide.com)

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới