Cẩm nang mua sắm laptop – Làm thế nào để mua được một chiếc laptop hoàn hảo?
5. DUNG LƯỢNG BỘ NHỚ RAM
RAM (Random Access Memory, bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên) ngày nay được đo bằng Gigabyte (GB), chứ không còn bằng Megabyte (MB) như cách đây vài năm. Máy dùng RAM để lưu giữ tạm thời các thông tin trong khi bạn dùng chúng (trước khi bạn lưu thông tin đó lên ổ đĩa cứng). Dung lượng RAM ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của máy tính, đặc biệt là khi chạy nhiều ứng dụng cùng một lúc. Thông thường, việc tăng thêm RAM còn hiệu quả hơn là tăng tốc độ CPU.
Dung lượng RAM càng lớn, bộ nhớ tạm của máy tính càng nhiều.
Tuy nhiên, sự nhiều ít của dung lượng RAM còn tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng máy tính của bạn, cũng như khả năng hỗ trợ của hệ thống. Ít RAM quá thì máy chạy cà rề, uế oải, còn nhiều RAM quá thì lãng phí tài nguyên.
Với nhu cầu tính toán cơ bản, laptop cần 1 GB RAM là đủ. Nhưng nếu chạy hệ điều hành Windows Vista và Windows 7, bạn phải thêm cho máy ít nhất là 1GB nữa. Nói chung, nếu bạn muốn mở nhiều tài liệu cùng một lúc hay chạy các ứng dụng nặng nề (như xử lý đồ họa, video, chơi game, xem video HD,…), bạn nên gắn cho laptop từ 2GB RAM trở lên. Phổ biến là 3GB-4GB. Trong trường hợp muốn chơi các game nặng, xử lý multimedia chuyên nghiệp, bạn phải có ít nhất là 6GB hay 8GB RAM.
Có một điều quan trọng mà bạn cần phải biết đây: các hệ điều hành Windows 32-bit chỉ nhận diện và sử dụng tối đa 3GB RAM. Nếu muốn khai thác trên 3GB RAM, bạn phải cài hệ điều hành Windows 64-bit.
6. THIẾT BỊ LƯU TRỮ
Nhiệm vụ của máy tính là xử lý thông tin. Nó cũng là nơi để bạn lưu trữ dữ liệu. Vì thế, thiết bị lưu trữ dữ liệu là một thành phần rất quan trọng của máy tính. Thiết bị lưu trữ dữ liệu phổ dụng nhất cho tới nay là ổ đĩa cứng (Hard Disk Drive, HDD), sử dụng các đĩa từ để lưu dữ liệu. Cách đây không lâu, ổ cứng dạng đặc (Solid-State Drives, SSD) ra đời với ưu thế là lưu dữ liệu bằng các chip nhớ Flash, chạy cực nhanh, không gây ồn và có độ bền dữ liệu cực cao. Intel tính toán rằng SSD sẽ giúp cải thiện tốc độ xử lý dữ liệu của hệ thống cao hơn tới 56% so với HDD. Chỉ có điều, hiện nay, SSD vẫn còn cực đắt và dung lượng còn rất thấp so với HDD. Đó là lý do mà ở một số dòng laptop cao cấp, người ta ứng dụng giải pháp lưu trữ lai (Hybrid), dùng một ổ SSD dung lượng vừa phải để cài đặt hệ điều hành và các phần mềm ứng dụng kết hợp với 1 ổ HDD dung lượng lớn làm nơi lưu trữ dữ liệu. Một số model laptop của HP, Lenovo,… hiện nay đã gắn sẵn ổ SSD của Intel.
Bây giờ, ổ HDD đã rất rẻ và dung lượng loại 2,5 inch cho laptop hiện nay đã đạt tới 1TB. Laptop của bạn nên trang bị ổ lưu trữ từ 250GB trở lên, tốt nhất là 500GB.
7. TRỌNG LƯỢNG
Do laptop là máy tính dành cho lưu động, vì thế trọng lượng của nó là rất quan trọng. Laptop chuẩn màn hình 14 – 15 inch nặng từ 2,3 tới 3kg. Các laptop cho game thủ có màn hình từ 17 inch trở lên với 2 HDD lớn có thể nặng tới 6 hay 7kg.
Khi phải di chuyển nhiều, bạn sẽ cảm nhận được giá trị của việc giảm từng 100g của chiếc laptop. Tuy nhiên, các laptop càng mỏng, càng nhẹ thường càng đắt; đồng thời các laptop càng mạnh thì càng nặng nề. Tùy theo nhu cầu công việc, sức vóc và khả năng tài chính mà bạn có thể chọn laptop có trọng lượng tốt nhất với mình.
8. KÍCH THƯỚC MÀN HÌNH
Màn hình LCD của laptop được đo bằng inch. Kích thước màn hình là độ dài của đường chéo từ góc dưới tới góc trên của màn hình. Những người thích xem phim, chơi game, làm đồ họa thì thích màn hình lớn. Thường thì màn hình lớn có độ phân giải cao hơn, cho hình ảnh sắc nét và giàu chi tiết hơn. Tuy nhiên, màn hình càng lớn thì máy tính càng nặng và hao pin hơn.
Phổ biến hiện nay là laptop 14 inch. Các loại siêu mỏng nhẹ có màn hình 11 tới 13 inch. Riêng loại 10 inch là dòng Netbook chủ yếu cho việc truy cập Internet.
Màn hình rộng (wide-screen) có tỷ lệ hiện thị 16:9 đúng chuẩn video HD. Trong khi màn hình thường có tỷ lệ hiển thị 4:3. Màn hình rộng cho không gian hiển thị rộng rãi hơn, nhưng nhiều người lại có cảm giác ít thật hơn.
Màn hình còn được chia làm 2 công nghệ panel: gương (glossy, bóng loáng) và thường (matte, mịn). Màn hình gương hiển thị hình ảnh trong sáng và đẹp hơn, nhưng có độ chói lóa cao và khó nhìn ở ngoài trời.
Ngày nay, người ta chuộng màn hình LCD có đèn nền LED cho hình ảnh trong sáng hơn.
9. BÀN PHÍM VÀ BÀN DI CHUỘT
Do kích thước laptop, bàn phím của nó thường bị thu nhỏ hơn bàn phím desktop. Nhưng cũng không được quá nhỏ, rất khó để bạn thao tác, nhất là khi phải thường xuyên soạn thảo văn bản. Các phím phải nhẹ vừa phải, tách rời nhau và in ký tự rõ ràng. Hiện nay được chuộng nhất là kiểu bán phím Chiclet với các phím vuông vắn và tách rời nhau, tiện thao tác.
Laptop không có chuột mà sử dụng bàn di chuột chạm gọi là TouchPad. Bạn cần chọn loại có TouchPad rộng rãi, nhạy, mượt mà và có hai phím chuột rời. Nhiều người chọn giải pháp gắn thêm chuột rời vào laptop cho dễ thao tác.
P.V.B.Đ
(Theo Laptop Buying Guide của Intel).
(*) Xin xem từ Siêu Thị Số 68, ngày 20-12-2010