Baidu Map có “đường lưỡi bò”
Các thiết bị di động nào được cài đặt sẵn từ chính hãng hay có thể cài thêm từ kho ứng dụng Google Play Store phần mềm ứng dụng di động bàn đồ định vị Baidu Map đang vướng vào rắc rối ở những nước đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Bởi lẽ bản đồ số của Trung Quốc này có vẽ “đường lưỡi bò” ở khu vực Biển Đông.
Baidu Map muốn thay thế Google Maps
Baidu Map của công ty dịch vụ Internet Baidu là một bản đồ số cho máy tính và thiết bị di động được phát hành từ tháng 9-2005. Từ năm 2010, Google Search và Google Maps bị khóa ở Trung Quốc sau khi Google rút khỏi nước này vì bất đồng với chế độ kiểm duyệt của Bắc Kinh. Từ đó, Baidu Map càng được đầu tư với mục tiêu là thay thế cho bản đồ Google Maps. Tới tháng 9-2012, Baidu Map đã được bổ sung hỗ trợ 3D, bản đồ vệ tinh và bản đồ 360 độ.
Baidu Map cho tới nay chỉ có tiếng Hoa. Trước năm 2016, nó chỉ cung cấp bản đồ của Trung Quốc, Hong Kong, Macau và Đài Loan. Nhưng tới cuối năm 2016, nó đã được bổ sung bản đồ của hơn 150 nước với các dữ liệu bản đồ được cung cấp bởi các hãng bản đồ số NavInfo (Trung Quốc), MapKing (Hong Kong), HERE (Đức), LocalKing và OpenStreetMap (Anh).
Vào tháng 11-2016, Baidu công bố Baidu Map trên di động đã có 348 triệu người sử dụng thực tế (active user), chiếm 70% thị trường người tiêu dùng ở Trung Quốc và được sử dụng ở 209 nước và khu vực.
“Đường lưỡi bò” trên bản đồ Baidu
Chẳng biết từ lúc nào, Baidu Map sử dụng bản đồ ở khu vực Biển Đông có vẽ thêm “đường lưỡi bò” 10 đoạn (ten-dash line) mà bấy lâu nay nhà cầm quyền Bắc Kinh sử dụng để thực hiện mưu đồ áp đặt chủ quyền tự nhận của mình đối với 90% diện tích Biển Đông. Cái đường do Trung Quốc tự vẽ này có lúc 9 đoạn (nine-dash line), khi 10 đoạn (ten-dash line), lại có phiên bàn 11 đoạn (eleven-dash line) chạy từ vùng biển đảo Đài Loan qua hàng loạt vùng biển của nhiều nước Đông Nam Á bao tới đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Mọi người sẽ đành chấp nhận chuyện Baidu Map chỉ hoạt động ở Trung Quốc như trước đây muốn sử dụng bản đồ gì là tùy họ, và dù sao họ cũng phải tuân theo quy định của nhà nước mình. Nhưng một khi đã vươn ra cung cấp bản đồ cho cả thế giới, lẽ ra Baidu phải tuân thủ luật chơi quốc tế. Cũng dễ thôi, nếu thông minh và muốn làm vậy, khi GPS phát hiện thiết bị đang ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc, đặc biệt là những nước “có vấn đề”, Baidu Map sẽ tự động sử dụng bản đồ chuẩn quốc tế. Còn thực tế, Baidu Map sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò như mặc định chính thức của mình.
Tôi đã thử cài đặt ứng dụng Baidu Map trên một smartphone không phải của Trung Quốc và thấy nó sử dụng bản đồ Biển Đông có “đường lưỡi bò”, bất chấp việc GPS của nó xác nhận thiết bị đang ở Việt Nam.
Khi dùng trình duyệt web để mở bản đồ Baidu Map trên máy tính, tôi vẫn thấy cái “đường lưỡi bò” nằm chình ình ở Biển Đông. Ở bên dưới bản đồ có ghi dữ liệu của hai nhà cung cấp OpenStreetMap (Anh) và HERE (Đức).
Baidu Map trên smartphone Trung Quốc
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện trường hợp smartphone thương hiệu Trung Quốc có cài đặt sẵn ứng dụng bản đồ Baidu Map. Tuy nhiên, đây là sản phẩm bán trên thị trường nội địa Trung Quốc và được nhập lậu hay xách tay về Việt Nam. Các smartphone thương hiệu Trung Quốc được nhập khẩu chính thức và hợp pháp đều là phiên bản quốc tế, hỗ trợ Google Play Store và các dịch vụ của Google, không có sẵn những ứng dụng của phiên bản nội địa như Baidu Map.
Chiều 7-6-2017, Công ty Cổ phần Digiworld (DGW), nhà phân phối độc quyền thương hiệu smartphone Xiaomi ở Việt Nam, đã có thông cáo báo chí cho biết họ đã chủ động mời Thanh tra của Sở Thông tin và Truyền thông và bộ phận chuyên trách của Công an TP.HCM tới kiểm tra kho hàng của mình. Trong buổi làm việc chiều 7-6-2017, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra ngẫu nhiên 7 chiếc thuộc 4 mẫu smartphone Xiaomi mà Digiworld đang phân phối (Redmi Note 4, Redmi 4A, Redmi 4X và Mi Mix) và xác nhận tất cả đều là bản quốc tế, không có ứng dụng Baidu Map, mà là Google Maps. Đoàn kiểm tra cũng chủ động trực tiếp kiểm tra trên thị trường với 1 smartphone Redmi Note 4 mua ở Nguyễn Kim có dán tem DGW và 1 chiếc Redmi Note 4 không do DGW phân phối. Kết quả, chiếc có dán tem DGW không có Baidu Map, còn chiếc trôi nổi kia có cài đặt sẵn ứng dụng định vị Trung Quốc này.
Nhà phân phối Digiworld khẳng định họ luôn nỗ lực “nhằm bảo vệ hàng chính hãng (có dán tem DGW bên ngoài vỏ hộp), tạo môi trường kinh doanh bền vững và mang đến các thông tin xác thực cho người tiêu dùng, giúp họ có những chọn lựa mua hàng sáng suốt, bảo đảm quyền lợi bản thân, đồng thời chung tay bảo vệ chủ quyền đất nước”.
Vấn đề đang xảy ra và có thể làm ảnh hưởng tới các thương hiệu smartphone Trung Quốc được nhập khẩu chính thức và hợp pháp ở Việt Nam là trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm trôi nổi, nhập lậu về bán giá rẻ. Ngoài phiên bản hàng nội địa của các hãng Trung Quốc chính thức làm ăn ở Việt Nam còn có nhiều thương hiệu “lạ” của Trung Quốc. Những người đa nghi và quá hiểu “xứ lạ” có thể nghĩ biết đâu đây cũng là một trong những chiêu của nhà cầm quyền “xứ lạ” để “phổ cập hóa” cái “đường lưỡi bò”. Quả là mệt mỏi cho tất cả.
PHẠM HỒNG PHƯỚC