Thứ Ba ngày 16 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Dự án của 3 đại sứ Nhà Sáng tạo Thay đổi YouTube Việt Nam đầu tiên được công chiếu

Dự án của 3 đại sứ Nhà Sáng tạo Thay đổi YouTube Việt Nam đầu tiên được công chiếu
June 13
17:47 2020

 

Sau 4 tháng phát động, các  sản phẩm thuộc dự án Nhà Sáng tạo Thay đổi – Creators For Change của ba đại sứ đầu tiên từ Việt Nam là 1977 Vlog, Giang Ơi và Tizi Đích Lép, đã chính thức được công chiếu trên kênh của họ và được chia sẻ trong danh sách video thuộc chương trình Nhà Sáng tạo Thay đổi trên kênh YouTube của UNDP vào ngày thứ Sáu 12-6-2020. Với 2 chủ đề trọng điểm là “Vấn đề bạo lực mạng” và “Nâng cao vị thế của phụ nữ”, video của các đại sứ Việt Nam đóng góp vào những thông điệp tích cực mà dự án Creators For Change đã thúc đẩy trên khắp thế giới trong nhiều năm nay thông qua sức ảnh hưởng của các nhà sáng tạo YouTube – những người dẫn đầu trong việc truyền cảm hứng giúp thay đổi nhận thức của giới trẻ trong cộng đồng của mình theo những hướng tích cực.

  • Sau Mị, chị Dậu, 1977 Vlog tiếp tục thể hiện thông điệp “phụ nữ vùng lên” với Chiếc Thuyền Ngoài Xa
  • Cùng Giang Ơi nghe 4 chàng trai “hot” nhất YouTube đọc câu chuyện của phụ nữ khắp Việt Nam
  • Đại sứ Nhà Sáng tạo Thay đổi YouTube kể câu chuyện bạo lực mạng dưới góc nhìn của kẻ bắt nạt

Chia sẻ trong video của mình, Giang Ơi cho biết quá trình thực hiện dự án đã khiến cô thay đổi suy nghĩ rất nhiều về nữ quyền cũng như việc nâng cao vị thế của phụ nữ. Hướng tiếp cận của Giang Ơi cho dự án này là giúp phụ nữ nói lên những câu chuyện của mình, tạo không gian cho sự gắn kết, đồng cảm, và truyền cảm hứng cho họ bằng sự thấu hiểu và sẻ chia

Xin mời xem video Đàn ông đọc câu chuyện của phụ nữ – Khoai Lang Thang, 1977 Vlog, Tizi Đích Lép

Giang Ơi đã mời 4 nam YouTube Creator quen thuộc với khán giả – Khoai Lang Thang, bộ đôi 1977 Vlog Việt Anh – Trung Anh, và Đích Lép từ kênh Tizi Đích Lép góp mặt trong video của mình. Cả bốn khách mời đã cùng đọc những câu chuyện được lọc ra từ hơn 500 câu chuyện được gửi về cho Giang Ơi từ những người phụ nữ trên khắp Việt Nam. Những câu chuyện có vẻ mang tính cá nhân của nhiều nhân vật khác nhau, nhưng lại là hoàn cảnh chung của phụ nữ ở nhiều địa phương, vùng miền. Bằng việc trao cơ hội để phụ nữ nói lên lòng mình, đây cũng là cơ hội để thế giới hiểu người phụ nữ cảm nhận như thế nào về những vấn đề tưởng chừng của riêng họ.

Cũng nói về câu chuyện nữ quyền, 1977 Vlog đã tận dụng phong cách quen thuộc của mình là lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học. Sau khi để Mị vùng lên đưa A Phủ bỏ chạy, giải phóng bản thân khỏi sự áp bức, chị Dậu trở thành biểu tượng nữ quyền thế giới với giải Nobel Hòa Bình, lần này 1977 Vlog tiếp tục thay đổi số phận của một nhân vật nữ khác cũng quen thuộc không kém. Tác phẩm được lựa chọn để truyền tải là một cái tên gắn liền với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam – Chiếc Thuyền Ngoài Xa của Nguyễn Minh Châu. Nếu như người đàn bà trong tác phẩm chỉ cam chịu và chấp nhận hoàn cảnh, thì người phụ nữ trong phiên bản của 1977 Vlog đã đứng lên giành lấy quyền quyết định số phận cuộc đời mình, quyền được sống hạnh phúc bằng việc tiếp cận tri thức và nâng cao giá trị của bản thân.

Xin mời xem video 1977 Vlog – Chiếc Thuyền Ngoài Xa – Ngôi Báu Cát

Trong khi Giang Ơi và 1977 Vlog lựa chọn chủ đề nữ quyền, Tizi Đích Lép lại lựa chọn nói về vấn đề bắt nạt trên mạng (Cyberbullying), một câu chuyện khá mới nhưng cũng không kém phần nóng bỏng trong những năm gần đây. Tizi Đích Lép tiếp cận vấn đề theo một hướng khác biệt, từ góc độ của kẻ bắt nạt. Từ việc cho thấy rằng kẻ bắt nạt thật ra cũng có thể là những nạn nhân trong chính cuộc sống của họ, anh đồng thời kêu gọi chấm dứt nạn bắt nạn, bạo lực mạng.

Xin mời xem video Phía Sau Màn Hình – Tizi Đích Lép, DTAP, Ngân Hà (Official MV)

Cảm hứng về vị thế người phụ nữ từ chuyến thực tế Sapa cùng các đại sứ YouTube

Truyện ngắn Chiếc Thuyền Ngoài Xa đã được nhà văn Nguyễn Minh Châu viết cách đây gần 40 năm, nhưng câu chuyện về thân phận người phụ nữ phản ánh trong đó vẫn không hề cũ. Trước khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình cho dự án, các đại sứ của chương trình đã tham gia một chuyến đi thực tế đến Sapa, nơi họ được tận mắt trải nghiệm và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của đề tài Nâng cao vị thế phụ nữ mà chương trình Nhà Sáng tạo Thay đổi hướng đến tại Việt Nam. Trong chuyến đi này, họ đã đến những bản làng của những dân tộc miền núi và khám phá những điều họ không bao giờ nghĩ đến.

Tizi Đích Lép kể lại trên trang cá nhân của mình những điều mà họ đã khám phá được trong chuyến thực tế: “Những cô gái H’Mong thường lấy chồng vào năm 14, 15 tuổi. Đến 18 tuổi có 3 đứa con là chuyện bình thường. “Phụ nữ già” và “lấy chồng muộn” thường nằm ở độ tuổi 19, 20, lúc mà chúng ta còn đang uống mấy cốc trà sữa và thấy chuyện chồng con lạ lùng xa lạ. Khủng khiếp nhất, nếu những đứa bé không nghe lời, ba của chúng sẽ đánh đập mẹ chúng. Đây là một hình thức đe dọa tinh thần mà mình tin là đau đớn nhất với những cô gái sống bằng cảm xúc. Chưa kể những bé gái ở đây không được ưu tiên đi học, vì mọi thứ sẽ dành cho con trai. Việc của họ là đến tuổi lấy chồng và lo làm lụng.”

1977 Vlog nhận xét: “Shakespeare nếu sống ở Sapa, có lẽ giờ tay ông đang cầm thắt lưng, chứ không phải cầm bút. Hủ tục là thứ gì đó quá to lớn, như một bóng ma trong nhà hát, bao trùm, đè nặng lên những tiếng ca. Phụ nữ được trao quyền nhưng có vẻ văn hóa hủ tục đã bám rễ sâu vào tâm hồn họ và rồi họ chọn quyền lấy chồng sớm.”

Nhưng cũng chính trong chuyến đi này, các đại sứ được gặp và trò chuyện với những người phụ nữ miền núi Sapa đã không chỉ làm chủ được số phận của mình mà còn truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khác trong cộng đồng. Đó là chị Tẩn Thị Shu, nhà sáng lập kiêm giám đốc Công ty Sapa O’Châu, mạng lưới kết nối khách du lịch với hướng dẫn viên và dịch vụ lưu trú bản địa. Từ một đứa trẻ bán hàng rong, Tẩn Thị Su trở thành người phụ nữ được Tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách 30 người dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Dự án Sapa O’Châu của chị không chỉ giúp phát triển du lịch địa phương mà còn tạo công ăn việc làm cho cộng đồng người dân tộc H’Mông tại đây. Các đại sứ cũng đã gặp gỡ những người phụ nữ dân tộc khác đang phụ trách nhiều công việc khác nhau tại Sapa O’Châu, họ là những người đại diện cho sức lan tỏa từ câu chuyện của chị Tẩn Thị Shu.

Những trải nghiệm đặc biệt ở Sapa có lẽ đã truyền cảm hứng để 1977 Vlog tạo ra một cái kết mới cho người đàn bà trong câu truyện Chiếc Thuyền Ngoài Xa. Những câu chuyện như thế này khi được lan tỏa thông qua các YouTube Creators có sức ảnh hưởng lớn có thể chạm đến được nhiều người hơn và thay đổi cuộc sống của họ.

YouTube Creators for Change (CFC) là một sáng kiến toàn cầu được khởi xướng từ năm 2016 với tiêu điểm là những người truyền cảm hứng/nhà sáng tạo nội dung YouTube – những người sử dụng kênh YouTube như một công cụ để thảo luận một cách hiệu quả và tác động tích cực đến những vấn đề xã hội trên thế giới. Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chương trình do Google và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) hợp tác thực hiện.

MEDIAONLINE

+ Ảnh do Google cung cấp.