Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

10.000 giờ học “Lập trình Tương lai cùng Google” cho học sinh Việt Nam

10.000 giờ học “Lập trình Tương lai cùng Google” cho học sinh Việt Nam
May 30
14:37 2018

 

Google ngày 29-5-2018 tại TP.HCM đã công bố dự án giáo dục “Lập trình Tương lai cùng Google” dành cho học sinh cấp tiểu học tại TP.HCM và tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là Vĩnh Long và Tiền Giang nhằm trang bị kiến thức cơ bản về lập trình và phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ em. Đây là dự án giáo dục hoàn toàn miễn phí, do Google tài trợ, được Trung tâm Phát triển Cộng đồng Mê Kông triển khai, và tổ chức The Dariu Foundation (Quỹ Dariu) hỗ trợ kỹ thuật.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được hình thành từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số. Vì vậy công nghệ thông tin (CNTT) là mắt xích rất quan trọng giúp người lao động hội nhập vào lực lượng lao động sản xuất tiên tiến, có sức cạnh tranh toàn cầu. Những kỹ năng CNTT và khoa học máy tính cần được xem là kỹ năng cơ bản của mọi học sinh ngay từ những lớp học đầu tiên. “Lập trình Tương lai cùng Google” là dự án giáo dục do Google khởi xướng và mang đến Việt Nam nhằm góp phần tạo dựng một thế hệ trẻ tự tin hòa mình vào xu hướng phát triển CMCN 4.0 theo định hướng của Chính phủ Việt Nam.

“Lập trình Tương lai cùng Google” với ngôn ngữ lập trình Scratch do Google Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) tài trợ sẽ cung cấp 10.000 giờ học lập trình miễn phí cho hơn 1.200 học sinh tiểu học và giúp đào tạo 30 giáo viên tại 10 trường tiểu học công lập thuộc TP.HCM, Vĩnh Long và Tiền Giang. Dự án giáo dục này được bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8-2018 trong mùa nghỉ hè.

Từ trái qua phái: ông Nguyễn Văn Hạnh (Quỹ Dariu), bà Hà Lâm Tú Quỳnh (Google APAC), và đại diện Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Gò Công Đông (Tiền Giang).

Ngôn ngữ lập trình Scratch được nghiên cứu và phát triển bởi nhóm Lifelong Kindergarten thuộc trung tâm Media Lab của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Hoa Kỳ). Do hướng tới đối tượng là trẻ em, ngôn ngữ lập trình Scratch phát triển theo hướng tương tác trực quan, đồ họa sống động, sản phẩm liền tay mà vẫn bảo đảm tính khoa học, tính liên thông tri thức logic về sau. Với Scratch, thay vì phải viết những dòng lệnh thì các em chỉ cần tư duy logic, chọn kéo và thả các khối lệnh đầy màu sắc có sẵn để lắp ghép thành một kịch bản điều khiển các đối tượng trên màn hình máy tính.

Để tạo sự thuận tiện cao nhất cho các em tiếp cận kiến thức công nghệ lập trình, bảo đảm tính bao quát của dự án, tạo cơ hội cho các em học sinh ngoại thành hay ở các tỉnh, thành phố nhỏ với điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, các đơn vị thực hiện dự án triển khai đến từng phòng học Tin học tại các trường ở quận trung tâm và huyện ngoại thành TP.HCM, Vĩnh Long và Tiền Giang.

Bà Phan Thị Thanh Phương, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TNTP TP.HCM.

Theo ban tổ chức, qua dự án này, các em sẽ được:

  • Khơi gợi niềm đam mê với khoa học máy tính thông qua việc học lập trình
  • Trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản về lập trình qua ngôn ngữ lập trình Scratch với hướng dẫn 2D, sinh động.
  • Phát triển những năng lực nền tảng cần thiết trong xu hướng xã hội hiện đại như tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, tư duy hệ thống, năng lực giải quyết vấn đề, xử lý dữ liệu.
  • Phát triển năng lực phối hợp làm việc theo nhóm, diễn đạt ý tưởng trực quan, giao tiếp cũng như các phẩm chất khác của con người trong môi trường CNTT – truyền thông.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Dariu, chia sẻ: “Theo báo cáo Việc làm Tương lai của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 65% trẻ em đang học tiểu học hôm nay sẽ làm những công việc/nghề mà chúng ta còn chưa thấy chúng tồn tại hôm nay. Với những thay đổi về kinh tế, xã hội do công nghệ mang lại, chúng ta cũng không biết chính xác trẻ em cần những kỹ năng gì để phát triển và trở thành công dân có đóng góp tích cực cho thế giới việc làm tương lai. Tuy nhiên, chúng ta có thể biết chắc chắn rằng trẻ em hôm nay cần phải được trang bị nhiều kỹ năng để thích ứng với những thách thức và đòi hỏi của kỷ nguyên kỹ thuật số.”

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Dariu

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông và Quan hệ công chúng phụ trách Việt Nam của Google APAC, cho biết: “Để hỗ trợ Việt Nam phát triển theo định hướng CMCN 4.0 một cách hiệu quả và thiết thực nhất, Google tập trung phát triển các dự án xây dựng và nâng cao nhận thức, năng lực trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam. Chúng tôi tin trẻ em chính là những nhà sáng tạo tuyệt vời nhất trong tương lai. Dự án “Lập trình Tương lai cùng Google” là một cú hích giúp các em có thêm động lực, đam mê và niềm vui trong việc tìm hiểu, tiếp cận kiến thức công nghệ mới, phát triển tư duy logic để trở thành những nhà sáng tạo hàng đầu.”

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông và Quan hệ công chúng phụ trách Việt Nam của Google APAC.

Dự án “Lập trình Tương lai cùng Google” không chỉ đem tới cơ hội tiếp cận kiến thức nền tảng sẵn sàng cho trẻ em trong xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, gieo mầm sáng tạo cho trẻ, mà còn đào tạo lực lượng giảng viên là cầu nối truyền tải tri thức, tạo nên tính bền vững của dự án.

NGÔN NGỮ LẬP TRÌNH SCRATCH

Scratch là tên gọi của một loại ngôn ngữ lập trình, được nghiên cứu và phát triển bởi nhóm Lifelong Kindergarten thuộc Trung tâm Media Lab của Viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology – MIT), thành lập năm 1981 ở TP Cambridge (bang Massachusetts, Hoa Kỳ). Dẫn đầu dự án nghiên cứu sáng tạo ra ngôn ngữ này là Giáo sư Mitchel Resnick, ông cũng là giám đốc điều hành của nhóm Lifelong Kindergarten.

Mục đích chính của dự án là nghiên cứu ra một phương pháp giúp cho trẻ em cũng có thể học lập trình. Trẻ em cũng có thể học lập trình là một ý tưởng rất có ý nghĩa thực tiễn, tuy nhiên để sáng tạo ra một phương pháp lập trình phù hợp với trình độ và tâm lý lứa tuổi trẻ em thì lại vô cùng khó khăn. Không phải nhà khoa học máy tính nào cũng có thể làm được. Những khái niệm khoa học kỹ thuật khó hiểu, những quy tắc luật lệ chằng chịt, những suy nghĩ liên miên trong những ngôn ngữ lập trình kiểu dòng lệnh phổ biến như Pascal, C, C++, Java, PHP, …chính là rào cản đối với sự tiếp cận lập trình cho trẻ em.

Tuy nhiên, đối với Scratch thì khác. Ngôn ngữ lập trình Scratch phát triển theo hướng tương tác trực quan, đồ họa sống động, sản phẩm liền tay mà vẫn bảo đảm tính khoa học, tính liên thông tri thức sau này. Khi sử dụng Scratch, thay vì phải viết những dòng lệnh logic có phần phức tạp với trẻ thì ở đây các em chỉ cần nắm và kéo các khối lệnh đầy màu sắc có sẵn để lắp ghép thành một kịch bản điều khiển các đối tượng trên sân khấu biểu diễn.

Những người mới bắt đầu học các ngôn ngữ lập trình như Pascal, C, PHP,… sẽ rất khó hiểu với việc sử dụng Biến (variable), Hàm (function), Thủ tục (procedure), Danh sách (list), và các Điều kiện (condition), Vòng lặp (loop),…nhưng khi sử dụng Scratch thì những khái niệm đó trở nên trực quan, dễ hiểu và dễ vận dụng trong các tình huống cụ thể.

Với đặc điểm dễ học, dễ sử dụng và hiệu quả như vậy, Scratch được xem như là một ngôn ngữ nền tảng trước khi học các ngôn ngữ khác. Và vì thế, đến nay đã có hàng triệu dự án được chia sẻ trên trang chủ của nhà thiết kế. Rất nhiều trường học trên khắp thế giới, từ trường tiểu học đến đại học đã sử dụng Scratch như một môn học chính thức.

PHẠM ANH PHÚ