Cấu trúc lại hoạt động, Intel Việt Nam giảm 2/3 nhân sự
Công ty Intel Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động ở Việt Nam, nơi Tập đoàn Intel chính thức đặt văn phòng đại diện đầu tiên vào năm 1997. Nhưng sau ngày 31-10-2016, Intel Việt Nam có thể sẽ chỉ còn 5 nhân viên, trong đó có 1 nhân vật mới, từ tổng số 15 người trước khi tiến hành cấu trúc lại hoạt động.
CẤU TRÚC LẠI TOÀN CẦU ĐỂ PHÁT TRIỂN TRONG THỜI KỲ MỚI
Ngày 19-4-2016, Intel đưa ra thông cáo báo chí công bố sáng kiến cấu trúc lại để tăng tốc sự chuyển hóa (Restructuring Initiative to Accelerate Transformation). Mục đích của cuộc đại tái cấu trúc toàn cầu này, theo giải thích của Intel, là để tăng tốc độ chuyển hóa Intel từ một công ty chuyên sản xuất chíp xử lý thành một công ty cung cấp sức mạnh cho điện toán đám mây và hàng tỷ thiết bị điện toán thông minh được kết nối.
Ông Phạm An Dương, Giám đốc Tiếp thị Intel Việt Nam, người cuối cùng rời khỏi Intel Việt Nam trong cuộc cơ cấu lại này vào ngày 31-10-2016, nói với báo chí rằng Intel đang chuyển hướng hoạt động: kết nối trực tiếp với các nhà sản xuất lớn, chú trọng đến xu hướng Internet của Vạn vật (Internet of Things, IoT), dữ liệu lớn (Big Data)…
Thực tế là trong những năm gần đây, một mặt do công nghệ di động lên ngôi, mặt khác bởi cách sử dụng máy tính của người dùng cũng thay đổi, hoạt động bán lẻ các loại chip xử lý (CPU) và các linh kiện máy tính giảm sút mạnh. Có lẽ chỉ có những dân chơi máy tính và game thủ là còn mua các linh kiện rời về tự lắp ráp các “vũ khí điện toán” của mình. Còn số đông người dùng bình thường hoặc chỉ sử dụng các thiết bị di động để thay thế máy tính, hay mua ngay các chiếc máy tính lắp ráp sẵn (không chỉ có những thương hiệu nội địa mà ngay cả các thương hiệu quốc tế cũng quan tâm tới phân khúc thị trường máy tính cho người dùng rộng rãi với giá cả ngày càng giảm). Phần lớn CPU và linh kiện máy tính của Intel chủ yếu được cung cấp cho các nhà sản xuất, lắp ráp máy tính.
Intel cũng ngày càng đa dạng hóa sản phẩm của mình, bao gồm cả phần cứng lẫn các giải pháp điện toán. Ngay cả với sản phẩm chủ chốt của Intel là CPU, họ không chỉ sản xuất chíp cho PC mà bắt đầu chuyển mạnh sang các loại chíp cho thiết bị di động, thiết bị thông minh có thể mang được (wearables), thiết bị IoT,… Kết quả tăng trưởng kinh doanh của Intel trong năm 2015 được cho là nhờ sự tăng trưởng tốt của các mảng kinh doanh data center và IoT, cũng như bộ nhớ và chip có thể lập trình bởi người dùng (FPGA). Báo cáo của Intel cho biết các mảng kinh doanh phi truyền thống đang tăng trưởng mạnh này đã đóng góp 2,2 tỷ USD trong khoản tăng trưởng doanh thu của Intel năm 2015, chiếm 40% doanh thu và phần lớn lợi nhuận hoạt động của công ty, bù đắp lớn cho tình trạng sa sút của thị trường PC.
Intel quyết định tiến hành cấu trúc lại công ty không phải lúc công ty này đang làm ăn thua lỗ. Theo báo cáo tài chính quý 1-2016, Intel đạt doanh thu 13,7 tỷ USD (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015); lợi nhuận thuần 2 tỷ USD (tăng 3%); lợi nhuận hoạt động 2,6 tỷ USD (bằng năm trước); thu nhập mỗi cổ phiếu 54 cent (tăng 20%). Nhưng sau khi công bố cấu trúc lại công ty, báo cáo tài chính của Intel bắt đầu có màu xám. Quý 2-2016, Intel tuy vẫn giữ được doanh thu 13,5 tỷ USD (tăng 3% so với cùng kỳ năm trước), nhưng lợi nhuận thuần giảm còn 1,3 tỷ USD (giảm 51%): lợi nhuận hoạt động còn 1,3 tỷ USD (giảm 54%); thu nhập mỗi cổ phiếu 27 cent (giảm 51%).
Trong công bố hồi tháng 4-2016, Intel cho biết tới giữa năm 2017 sẽ cắt giảm tới 12.000 nhân viên trên toàn cầu (chiếm khoảng 11% lực lượng nhân sự). Intel nói rằng chương trình này sẽ giúp công ty tiết kiệm được 750 triệu USD trong năm 2016 và đạt mức tiết kiệm hàng năm 1,4 tỷ USD vào giữa năm 2017.
11 NGƯỜI RỜI KHỎI INTEL VIỆT NAM TRONG 3 ĐỢT
Theo lộ trình cấu trúc lại của Intel Việt Nam, 3 người đã nghỉ việc vào cuối tháng 7-2016. Vào ngày 30-9-2016, thêm 7 nhân viên Intel nữa nghỉ việc. Và ngày 31-10-2016, người cuối cùng trong chương trình cấu trúc lại này là ông Phạm An Dương sẽ rời khỏi Intel Việt Nam sau hơn 10 năm làm việc. Theo một số nguồn tin, từ ngày 1-11-2016, Công ty Intel Việt Nam sẽ chỉ có 5 người.
Tổng giám đốc Intel Việt Nam Trần Đức Trung (Jay Tran) ở trong số 7 người rời Intel Việt Nam đợt 2. Ông Trung nhận nhiệm vụ này từ cuối tháng 11-2014. Trước khi về Intel, ông Trung là Tổng giám đốc Acer Việt Nam rồi Tổng giám đốc Dell Việt Nam – cả hai hãng máy tính này đều là đối tác lâu năm của Intel.
CÓ HAI CÔNG TY INTEL Ở VIỆT NAM
Ở Việt Nam có 2 công ty Intel hoạt động với pháp nhân riêng rẽ. Công ty TNHH Intel Việt Nam có mặt từ năm 1997 chuyên kinh doanh sản phẩm Intel và là đại diện của Intel ở Việt Nam. Công ty Intel Products Việt Nam tại khu công nghệ cao TP.HCM là nhà máy Intel ở Việt Nam chuyên lắp ráp, kiểm định và đóng gói chíp (Assembly and Test Manufacturing, ATM) bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 10-2010. Chiều 29-7-2014, nhà máy Intel Products Việt Nam đã chính thức công bố sản phẩm chip vi xử lý (CPU) cho máy tính PC đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam. Cho tới nay, các sản phẩm của nhà máy này vẫn được cung cấp cho các nước trên thế giới (theo kế hoạch, vào năm 2015, 80% CPU Intel cho PC trên toàn thế giới được sản xuất tại Việt Nam). Nằm trong dự án đầu tư 1 tỷ USD của Intel vào Việt Nam công bố năm 2006, đây là nhà máy ATM lớn nhất thế giới của Intel. Và hiện nay, nhà máy này đang hoạt động rất tốt.
Intel Việt Nam cho biết việc cơ cấu lại này không áp dụng cho Nhà máy Intel Việt Nam. Và Công ty Intel Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động ở Việt Nam, tất nhiên là với quy mô và cách thức hoàn toàn mới.
PHẠM HỒNG PHƯỚC