Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

HCA kết nối 50 doanh nghiệp CNTT với 6.000 sinh viên trong năm 2018

HCA kết nối 50 doanh nghiệp CNTT với 6.000 sinh viên trong năm 2018
October 17
13:19 2018

 

Trong khuôn khổ Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 – WHISE 2018, Hội Tin học TP.HCM (HCA) tổ chức chương trình báo cáo tổng kết hoạt động cộng đồng kết nối doanh nghiệp với sinh viên: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số” tại Hội trường HUB Coffee, Saigon Innovation Hub TP.HCM sáng 16-10-2018.

Chuỗi hoạt động cộng đồng với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số” do HCA phối hợp cùng 10 trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM và Saigon Innovation Hub tổ chức từ tháng 9 đến tháng 10-2018, với sự chỉ đạo và bảo trợ của Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM và Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ICT TP.HCM.

Các buổi giao lưu giữa doanh nghiệp CNTT và sinh viên đã được tổ chức tại các trường: Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Hoa Sen, Đại học Công nghệ – Hutech, Đại học Văn Lang, Đại học Công nghiệp, Đại học Kinh tế, Đại học Mở, Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Cao đẳng Viễn Đông thu hút gần 6.000 sinh viên với 50 doanh nghiệp CNTT tham gia giao lưu. Có hơn 30 diễn giả đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài ngành CNTT-TT và 10 gương mặt trẻ đại diện cho lĩnh vực khởi nghiệp chia sẻ về hành trình từ khởi nghiệp đến doanh nhân.

Chuỗi hoạt động cộng đồng của HCA trong năm 2018 nhân kỷ niệm 30 năm thành lập (1988-2018) đã chia sẻ các chủ đề về khởi nghiệp, các xu hướng công nghệ; những câu chuyện khởi nghiệp thành công, thất bại; những kĩ năng mềm dành cho sinh viên như xu hướng công nghệ và ứng dụng CNTT trong logistics tại Việt Nam; hành trình từ khởi nghiệp đến doanh nhân; thay đổi tư duy ao làng sang tầm nhìn hòa nhập với môi trường quốc tế; dữ liệu nguồn mở và khởi nghiệp; thương mại điện tử thế hệ mới; tâm thế để khởi nghiệp – sinh viên cần gì; xu hướng công nghệ số hóa; công nghệ IoT trong năng lượng tái tạo; tự tin và thu hút – phát triển kỹ năng giao tiếp,…



 

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, cho biết: “Hiện thành phố có khoảng 30 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng và hoạt động của nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng. Đây là một tín hiệu tốt thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (hay còn gọi là Đề án 844), giao Bộ KH&CN chủ trì thực hiện tạo lập môi trường chính sách thuận lợi hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chuỗi hoạt động năm nay với các câu chuyện thành công – thất bại trong “Hành trình từ khởi nghiệp đến doanh nhân” đến từ các gương mặt trẻ nội bật trong giới khởi nghiệp là làn gió mới giúp truyền cảm hứng và khích lệ các bạn sinh viên dám nghĩ dám thực hiện các ý tưởng của mình.”

Ông Vũ Anh Tuấn.

Trong những năm gần đây với tốc độ bùng nổ về công nghệ và ứng dụng công nghệ mới trong phạm vi toàn cầu cùng với việc rất nhiều quỹ đầu tư của nước ngoài tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực R&D, HCA đã chú ý đẩy mạnh thêm các nội dung về khởi nghiệp sáng tạo, tầm nhìn và tiêu chuẩn của công dân toàn cầu cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, Tổng giám đốc Công ty tư vấn CNTT P.A.T Consulting, người có gần 20 năm kinh nghiệm khởi nghiệp, chia sẻ: “Sinh viên không chỉ nên phấn đấu lúc đi làm mà cần phải phấn đấu từ quá trình học tại trường. Giao lưu với các bạn sinh viên trong chuỗi sự kiện năm 2018, thông điệp của tôi với sinh viên có sự thay đổi. Bên cạnh việc học chuyên môn, rèn luyện kỹ năng mềm, trau dồi ngoại ngữ là chuyện mặc nhiên, các bạn sinh viên cần mở rộng kiến thức chuyên sâu thông qua Internet, giỏi ngoại ngữ và thành thạo các kỹ năng mềm. Mọi công dân ở tất cả các quốc gia đều bình đẳng trước làn sóng công nghệ mới, điều đó bắt buộc các bạn sinh viên phải tìm cách thích ứng. Sinh viên phải dám suy nghĩ sẽ trở thành một công dân toàn cầu sẵn sàng làm việc trong môi trường quốc tế dù học tập tại Việt Nam.”

Ông Phí Anh Tuấn (thứ ba từ phải qua).

Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia khởi nghiệp với những chính sách hỗ trợ từ chính phủ trung ương đến chính quyền địa phương các tỉnh thành. Tính đến tháng 4-2017, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp là 18.000 đơn vị. Đặc biệt, khởi nghiệp về CNTT được xem là một trong những mũi nhọn trong phong trào phát triển này. Tuy nhiên, nhiều con số thống kê về tỷ lệ sống sót của startup Việt đã được công bố, 80% doanh nghiệp không tồn tại quá 2 năm hay chỉ có 3% doanh nghiệp là thành công thực sự. Đa số doanh nghiệp khởi nghiệp đều thiếu người dẫn đường, vì họ đều thiếu kinh nghiệm, thiếu định hướng, kiến thức lẫn kinh nghiệm từ những người đi trước.

Bên cạnh những kiến thức chuyên ngành, đa số các bạn sinh viên ngành CNTT hiện nay vẫn còn đang rất thiếu kỹ năng mềm và định hướng cho bản thân. Đó là ghi nhận của bà Văn Thị Bích Ty, Trưởng ban Truyền thông sự kiện HCA. Bà nói: “Theo tôi, start-up cần SMART + Understanding. Trong đó, mục tiêu khi start-up phải “SMART” nghĩa là: S – Specific: rõ ràng về tình hình nào và ở đâu, khi nào và như thế nào thì nó sẽ được thay đổi. M – Measurable: có thể định lượng được mục tiêu và lợi nhuận. A chievable: có thể đạt được mục tiêu đề ra. R – Realistic: bao gồm những mức độ thay đổi được phản ánh trong mục tiêu. T- Time bound: trình bày những cột mốc thời gian mà từng mục tiêu cụ thể được hoàn thành. U – Understanding: bạn phải hiểu biết về thị trường, người dùng và nhu cầu. Hãy tích lũy kinh nghiệm; tư duy đa chiều; cộng tác công bằng; phát triển chiến lược; có truyền thông hỗ trợ và chấp nhận thay đổi.”

Bà Văn Thị Bích Ty

Bà Nguyễn Thu Sang, Giám đốc truyền thông Mạng xã hội Kinh doanh Azibai, bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh việc hợp tác với các trường đại học, cao đẳng tạo điều kiện cho các bạn sinh viên của trường có cơ hội thực hành trên hệ sinh thái nền tảng số Azibai. Bên cạnh đó Mạng xã hội kinh doanh Azibai sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ sinh viên của trường đến tham quan thực tế quy trình làm việc, tham gia kiến tập, thực tập và thực hành các dự án môn học chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực CNTT và đa ngành.”

Bà Nguyễn Thu Sang (giữa).

Chuỗi sự kiện cộng đồng kết nối doanh nghiệp với sinh viên do Hội Tin học TP.HCM tổ chức thường niên từ năm 2008. Qua 10 năm hoạt động, chương trình đã và đang mang đến nhiều nội dung giao lưu chuyên sâu và thực tế nhằm chia sẻ các kiến thức về các xu hướng công nghệ thế giới và sự tác động của xu thế công nghệ đến nhu cầu việc làm; các kỹ năng mềm; văn hóa doanh nghiệp; kinh nghiệm phỏng vấn, câu chuyện khởi nghiệp… Tính đến năm 2018, chương trình đã tổ chức tại gần 100 trường đại học và cao đẳng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, với sự tham gia của gần 50.000 bạn sinh viên cùng sự góp mặt của các lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân, các diễn giả, chuyên gia CNTT; khởi nghiệp và sự hỗ trợ truyền thông từ các đơn vị thông tấn báo chí.

MEDIAONLINE

+ Ảnh: PHẠM ANH PHÚ

   



 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới